Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011 Kinh doanh tren WEB 2.0

Số lượt xem: 668
Gửi lúc 09:38' 01/08/2009

Kinh doanh trên WEB 2.0

Những năm gần đây, sự phát triển của CNTT cho phép xây dựng các trang web mà ở đó người lướt web có thể tự đưa thông tin lên (thường được gọi là thế hệ web 2.0); nói cách khác, người lướt web có thể tự tạo nội dung cho trang web của người khác. Nhiều doanh nghiệp (DN), thậm chí cá nhân, đã xem tiện ích này là một phương thức kinh doanh (KD) mới.


Web 2.0 và cơ hội KD

   

"TMĐT sẽ dần giành được niềm tin và thị phần lớn hơn từ TM truyền thống. Tuy nhiên, khác với TM truyền thống, sự ảnh hưởng của các "tiểu thương" trên các chợ trực tuyến ngày càng nhiều hơn và đóng vai trò quyết định tới sự phát triển của sàn giao dịch. Các chợ điện tử sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần lớn, tập trung vào việc hỗ trợ sự tương tác và chia sẻ cộng đồng, tạo điều kiện cho người dùng chia sẻ nhiều hơn" - Nguyễn Hòa Bình, giám đốc công ty PeaceSoft.

 

Trước đây, người dùng truy cập web để tìm thông tin. Do đó, đơn vị sở hữu trang web phải xây dựng nội dung sao cho thật hay để thu hút người đọc. Tuy nhiên, một số công nghệ lập trình web mới ra đời như Ajax, XML cho phép tạo ra những trang web có tốc độ truy cập tăng đáng kể. Từ đó, người dùng không chỉ dễ dàng đọc mà còn ghi (upload) nội dung lên trang web. Trang từ điển trực tuyến Wikipedia, các blog hay mạng xã hội trực tuyến MySpace, web chia sẻ video YouTube... chính là những ví dụ điển hình của loại web này.

Về mặt công nghệ, sự khác nhau giữa website kiểu cũ với website 2.0 không nhiều, đó là tính thân thiện với người dùng. Với mô hình web cũ, người dùng chỉ được đọc, xem và tìm kiếm những gì có trên web. Với web 2.0, ngoài các tiện ích trên, người dùng được đặt ở trung tâm, họ chính là người quyết định nội dung, diện mạo của trang web, được đưa những gì mình nghĩ, mình thích lên đó, tất nhiên trong mức độ kiểm soát của quản trị trang web.

 

"Xu hướng phát triển TMĐT trên thế giới sẽ theo hướng tăng cường sự tương tác. Việc hỗ trợ bán hàng TMĐT không chỉ qua email, chat điện thoại mà còn bằng các hình thức voice message, blog, diễn đàn. Điều đó có nghĩa là bất cứ mô hình TMĐT nào thành công thì trước hết phải tạo ra nhiều tương tác giữa các thành viên" – Nguyễn Minh Hiếu, giám đốc công ty Dream Việt.

   

Ý tưởng xây dựng các trang web mà nội dung do người dùng tạo ra cũng đã được đưa vào KD. Mở đầu phải kể đến eBay với việc cho phép người dùng thoải mái đăng tin đấu giá; đánh giá sản phẩm, người bán, người mua, mặc cả... Còn với Alibaba, nhiều DN lại tranh thủ đưa các video clip giới thiệu về hoạt động của họ. Nhờ đó, ngồi tại một nơi, một giám đốc công ty có thể đăng ký thành viên để sử dụng máy tính truy cập vào Alibaba.com và viếng thăm các cơ sở sản xuất của nhiều công ty rải rác khắp toàn cầu. DN cũng có thể đưa lên đây các loại mặt hàng, giá cả, thủ tục thanh toán... Trên nhiều blog, forum hiện nay, nhiều cá nhân cũng tự mở các cửa hàng buôn bán nhỏ và giới thiệu hàng hóa.

Giá trị cốt lõi của thế hệ web 2.0 nằm ở cộng đồng người sử dụng với nguyên liệu chính là thông tin và dữ liệu mà cộng đồng trao đổi trên đó. Tuy nhiên, ngoài khả năng công nghệ, xây dựng một website có sức hút không đơn giản. Trước đây, công ty HTC Computer (Hà Nội) cũng đã xây dựng website công ty tại địa chỉ www.htcvietnam.vn. Để vận hành website này, công ty cần ít nhất 4 nhân viên, mỗi người chuyên trách một mảng riêng, cả về nội dung và công nghệ. Chưa kể chi phí quảng bá cho website. Trung bình mỗi ngày có 1.000 lượt người truy cập website này, số đơn hàng mỗi tháng từ 250 – 300 (tỷ lệ 0,8-1%).

   

"Có 3 mô hình TMĐT là C2C, B2C, B2B thì Web 2.0 có thể triển khai được cho cả 3 trong không gian ảo nhiều thành phần, khối lượng thông tin khổng lồ và được cập nhật liên tục. Việc liên kết các nhà cung cấp, khách hàng và hạ tầng CNTT lại với nhau theo một chuẩn chung và liên thông tạo nên mạng lưới TMĐT rộng lớn." - Trần Hùng Cường, giám đốc công ty Năm Sao.

 

Để phát triển và quảng bá thương hiệu công ty một cách nhanh nhất, sau khi nghiên cứu một số website thương mại điện tử lớn (TMĐT) trong nước, ông Lương Minh Hiếu, giám đốc công ty nhận thấy việc tham gia gian hàng trên www.chodientu.vn hoàn toàn phù hợp. "Quản trị website www.htcvietnam.vn về hệ thống đặt hàng và thông tin sản phẩm cũng tương đương việc quản trị gian hàng trên chodientu.vn. Tuy nhiên, hệ thống quản trị gian hàng trên chodientu.vn có phần đơn giản và thuận tiện hơn cho người quản trị. Đầu tư thời gian và nhân lực cho hệ thống này do đó cũng đơn giản hơn mà hiệu quả lại cao hơn", ông Hiếu chia sẻ. Trung bình có 300 lượt người/ngày truy cập vào gian hàng điện tử của HTC trên chodientu.vn, số đơn hàng đạt 120/tháng (tỷ lệ 1,3%). Ông Hiếu cho biết, những trang web như chodientu.vn có lượng khách hàng thường xuyên tương đối lớn và ổn định. "HTC Computer sẽ cố gắng tham gia giới thiệu sản phẩm và dịch vụ trên các website có công nghệ tương tự càng nhiều càng tốt. Đó là phương thức quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm, dịch vụ của công ty đến khách hàng nhanh nhất, đơn giản nhất và tương đối hợp lý về mặt chi phí".

Những mô hình thực tiễn

 

Các công ty KD dựa trên việc tạo ra môi trường cho TMĐT có thể lấy doanh thu từ quảng cáo, cho thuê không gian trên web, dịch vụ giá trị gia tăng... Hiện nay, ở Việt Nam, các mô hình như vậy đang phát triển.

Đi đầu trong số này phải kể đến công ty Peacesoft, đơn vị sở hữu trang web www.chodientu.vn cho phép người dùng tham gia các gian hàng ảo (e-store), tự đăng thông tin đấu giá và đánh giá sản phẩm. Còn có công ty Giấc Mơ Việt với trang www.Aha.vn cung cấp thông tin so sánh giá sản phẩm công nghệ cao và các hướng dẫn mua hàng cho thành viên.

Trang web www.vietspace.net.vn theo mô hình mạng xã hội ảo đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam (đã đạt giải TTVN 2006) cũng là một website phù hợp với người Việt Nam, cho phép các thành viên tự tạo website riêng với nhiều công cụ hỗ trợ. Website này đáp ứng được nhu cầu tạo web để giao lưu, KD trên mạng Internet. Trước hết, www.vietspace.net.vn thu hút số lượng thành viên lớn và tạo nên một kho thông tin khổng lồ trên mạng Internet. Hệ thống website có các công cụ cao cấp: hệ quản trị đa năng, hệ quản trị nội dung, hệ thống chuyển đổi giao diện, chức năng bán hàng và đặt hàng trực tuyến, các thư viện dữ liệu, tìm kiếm, kết bạn... Người sử dụng muốn trang web riêng của mình đẹp hơn, nhiều chức năng hơn sẽ phải trả một khoản phí nhất định để được sử dụng các công cụ. Chủ đầu tư hệ thống cũng có thể thu thêm phí ở các dịch vụ giá trị gia tăng khác.

 

"Vẫn còn nhiều tranh cãi về khái niệm Web 2.0. Theo tôi, Web 2.0 không đơn thuần là công nghệ mà chính là một mô hình KD, một cách nghĩ mới, trong đó, người dùng là trung tâm. Họ sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong mô hình KD của một công ty. Người dùng sẽ quyết định họ cần gì, muốn gì"- Lê Hữu Sơn, giám đốc công ty Vega Technology.

   

Website chia sẻ video www.clip.vn do công ty Vega Technology xây dựng thì có ý tưởng ban đầu xuất phát từ nhu cầu chia sẻ video giữa cá nhân và bè bạn, người thân cũng như DN sử dụng video trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã giúp công ty nảy sinh những ý tưởng KD. Đó là: website này sẽ miễn phí hoàn toàn và mãi mãi với người dùng cá nhân. Còn đối với DN, Vega Technology có 3 hướng: cung cấp giải pháp cho DN có nhu cầu thường xuyên về chia sẻ video; tích hợp thông điệp của nhà quảng cáo dưới dạng video vào clip; liên kết với công ty cung cấp dịch vụ di động cho phép người dùng ĐTDĐ tải về (có phí) các clip hay, vui (tất nhiên có chia sẻ lợi nhuận với người đã đưa lên (upload) các clip hay).

Thu Nga


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Kinh doanh trên WEB 2.0

Leave a Comment

Được tạo bởi Blogger.

VNNSEARCH.COM - Danh bạ website lớn nhất Việt Nam