Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011 Gia tri ten mien chua duoc danh gia dung o VN (phan I)

Số lượt xem: 278
Gửi lúc 14:36' 01/02/2010

Giá trị tên miền chưa được đánh giá đúng ở VN (phần I)

Gần đây, những câu chuyện rắc rối, bất cập xung quanh vấn đề domain trở nên nóng bỏng. Việc quản lý, cấp phát hay sử dụng tên miền được bàn tán sôi nổi. Nhưng thực tế cho thấy, khi thương mại điện tử bắt đầu vào guồng phát triển thì giá trị một tài nguyên Internet vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức.

Gia tri ten mien chua duoc danh gia dung o VN phan I
Làm thủ tục đăng ký tên miền tại VNNIC. Ảnh: N.H.

Một cuộc thanh tra hoạt động quản lý cấp phát tên miền của Trung tâm Internet VN (VNNIC) do Bộ Bưu chính viễn thông chủ trì sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Quyết định này xuất phát từ những vụ việc kiện cáo cùng nhiều ý kiến dư luận cho rằng VNNIC chưa sòng phẳng trong hoạt động cấp phát và quản lý domain của mình. Trên thực tế, những ì xèo của dư luận xung quanh cái tên miền không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian này nó được thổi bùng lên và sự việc nhiều người quan tâm không phải là diễn biến hay kết quả của các vụ kiện mà vấn đề là cách nhìn nhận về giá trị của domain.

Tên miền là tài nguyên có giá trị nhưng không được mua bán, trao đổi

Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội(BKIS) Nguyễn Tử Quảng kể với VnExpress rằng, trước đây ông không nghĩ có lúc sẽ cần đến tên miền eoffice .com.vn. Khi có nhu cầu và đến VNNIC thì mới biết đã có người đăng ký domain này trước đó một năm. "Tôi đã phải đàm phán và thỏa thuận mua lại với giá 500 USD. Nếu họ không bán thì cũng dở vì thực sự tôi rất cần mà họ thì không còn nhu cầu dùng nữa", ông Quảng nói. "Nếu tôi nói "xin" cũng không ổn vì họ đã mất tiền phí duy trì tên miền này trong một thời gian rồi".

Với quy chế mà VNNIC áp dụng để cấp phát tên miền hiện nay là ai đến trước cấp trước, chuyện người có nhu cầu tìm đến VNNIC xin đăng ký một tên miền nào đó nhưng nó đã thuộc về người khác vẫn thường xảy ra. Thực tế là có người khôn ngoan nên tính chuyện đầu cơ, đăng ký cả loạt tên miền rồi "găm" đó chờ nguồn tiêu thụ. Cũng không ít người xin cấp domain nhưng chỉ phục vụ mục đích trong thời gian ngắn và sau đó thì... để không. Cuối cùng, những ai có nhu cầu nhưng "chậm chân" sẽ buộc phải tìm đến họ để cùng thỏa thuận với nhau. Tất cả những điều đó chứng minh nhu cầu mua - bán tên miền là có thật.

Tuy nhiên, Điều 2 trong Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet của Bộ Bưu chính viễn thông ghi rõNghiêm cấm việc chuyển nhượng, cho thuê, bán lại tài nguyên Internet dưới bất kỳ hình thức nào". Tên miền nằm trong danh mục các tài nguyên quốc gia và vì thế việc đầu cơ, kinh doanh domain vẫn được xem là trái pháp luật.

Nhưng không phải ai cũng nhất trí với quan điểm này. Ông Trần Thanh Hải, Vụ phó Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại, cho rằng không phải một sự vật cứ gọi là tài nguyên thì không thể được mua bán, chuyển nhượng. "Nước là tài nguyên, nhưng gia đình nào không phải trả tiền mua nước hằng tháng?", ông Hải lập luận. "Ngay trong lĩnh vực viễn thông, kho số điện thoại cũng được coi là tài nguyên song tài nguyên này đang được mua bán, chuyển nhượng, đấu giá hằng ngày".

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Thương mại điện tử (Bộ Thương mại), thì dưới góc độ thương mại, nên công nhận tên miền như một loại tài sản và cho phép mua bán, chuyển nhượng. "Hiện tượng đầu cơ tên miền có thể xảy ra trong thời gian đầu, nhưng điều đó cũng có tác dụng cảnh tỉnh những đơn vị, doanh nghiệp có thương hiệu, nhãn hiệu liên quan đến tên miền cần sớm đăng ký domain để tránh bị "mất chỗ" trên Internet", ông Hưng phân tích.

Quan điểm của những nhà quản lý tại Vụ Thương mại điện tử là rất mong VN sớm có sự thay đổi về vấn đề sở hữu domain vì theo họ, mạng Internet ra đời để phục vụ một xã hội tiên tiến. Nó là kho tài nguyên vô tận, mà tên miền do tính chất chỉ có một và duy nhất trên Internet, nên người sử dụng trước càng có các quyền lợi quan trọng. Nhà nước nên khuyến khích vì họ đã góp một phần không nhỏ vào sự thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin. Ví như có những số điện thoại đẹp cũng đã đem ra bán đấu giá hàng mấy trăm triệu đồng.

"Để bình đẳng trong việc sử dụng tài nguyên này, ai đăng ký trước sẽ là chủ sở hữu. Người dám bỏ ra 930.000 đồng để đăng ký được 1 tên miền thì đương nhiên phải cho họ các quyền hợp pháp vì nó đã trở thành tài sản", ông Hải nói. "Và khi họ không còn muốn sử dụng nữa hay vì một lý do khách quan nào đó thì họ được tự ý mua bán, trao đổi và chuyển nhượng".

Ông Hưng cũng bổ sung: "Tuy nhiên, khi cho phép mua bán, chuyển nhượng cần ban hành chính sách nhằm phát huy mặt có ích và hạn chế tiêu cực. Nếu không quản lý tốt, cho phép mua bán tên miền có thể dẫn đến một số tác hại. Nhưng cấm mua bán tên miền còn gây ra thiệt hại lớn hơn".

Giám đốc BKIS cũng cho rằng nên để việc chuyển nhượng mua bán như đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sở hữu trí tuệ: "Ai đăng ký một nhãn hiệu, logo thì được cấp chứng nhận. Đó sẽ là một tài sản và có thể chuyển nhượng, thừa kế...".

Nhìn nhận ở góc độ luật pháp, luật gia Phạm Hoàn Thành, Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh, cho biết, việc công nhận tài sản ảo và bảo vệ nó là cần thiết, nhưng công nhận như thế nào lại rất phức tạp. Theo thông lệ, tên miền không được coi là tài sản sở hữu trí tuệ như nhiều người lầm tưởng. Nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại là tài sản sở hữu trí tuệ. Còn tên miền chỉ là địa chỉ Internet có chứa nhãn hiệu hàng hóa hay tên thương mại mà thôi. "ICANN và các quốc gia khác đều chống việc đầu cơ, trục lợi qua tên miền. Việc VN cấm mua bán và chuyển nhượng không thông qua VNNIC là phù hợp thông lệ quốc tế và khuyến cáo của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO", luật sư Thành nói. "Tôi cũng lưu ý rằng nếu các chủ thể chuyển nhượng cho nhau thông qua VNNIC không vì mục đích lợi nhuận hay trục lợi là hoàn toàn hợp pháp".

Chi phí cao, doanh nghiệp "ngại" tên miền .vn

Báo cáo thương mại điện tử năm 2005 do Bộ Thương mại công bố mới đây cho thấy chi phí đăng ký và duy trì tên miền .vn là 930.000 đồng/năm, cao hơn gần 8 lần so với tên miền quốc tế, thông thường khoảng 120.000 đồng cho cả đăng ký và duy trì năm đầu tiên. Từ năm thứ hai, phí duy trì tên miền .vn là 480.000 đồng, cao hơn tới 4 lần so với tên miền quốc tế. "Mức phí cao sẽ hạn chế việc đăng ký sở hữu tên miền quốc gia, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nếu có nhu cầu sử dụng tên miền sẽ đăng ký sử dụng tên miền quốc tế", bản báo cáo kết luận.

Ông Phan Văn Thu, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển thương mại điện tử Việt Nam ECO (một đại lý tên miền cấp 2), cũng khẳng định: "Hiện nay, mức phí đăng ký và duy trì tên miền của VNNIC là quá cao so với các tên miền cấp 1 quốc tế. Nếu điều chỉnh mức này xuống 20 USD cho việc khởi tạo và duy trì một năm là hợp lý. Tất nhiên các năm sau mức phí vẫn là 20 USD/năm".

Ông Thu cho rằng nếu VNNIC làm được việc đó thì doanh số của Trung tâm này và việc thu ngân sách cho nhà nước sẽ tăng gấp nhiều lần, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng cũng tăng lên, kích cầu về công nghệ thông tin cho mọi tầng lớp xã hội.Ở vị trí là một chuyên gia an ninh mạng, ông Nguyễn Tử Quảng nhận định: "Nếu chi phí tên miền giảm xuống thì không những khuyến khích phát triển Internet, thương mại điện tử mà còn làm cho vấn đề an ninh mạng tốt lên. Vì lúc đó mọi người sẽ dùng tên miền .vn nhiều hơn và như vậy cũng dễ đảm bảo cho an ninh mạng hơn".

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cho biết, các tổ chức quản lý tên miền trên thế giới đều tự trang trải kinh phí, vì vậy mức phí phải đủ bù chi phí quản lý. Ở VN, phí cao một phần do số lượng tên miền được cấp phát còn ít. Hơn nữa về kỹ thuật, cũng như chi phí quản lý trong nước còn cao. "Để giảm được các loại chi phí cho ngang bằng thế giới trước hết phải phát triển được số lượng tên miền .vn. Thứ đến là cải tiến kỹ thuật cũng như tinh giản bộ máy quản lý để giảm thiểu chi phí. Còn nếu đơn thuần giảm các loại phí hiện hành, tôi e rằng phải tăng trợ cấp của Chính phủ", luật gia Thành nói.

Ông Lê Nam Trung, Trưởng phòng Kinh tế thống kê của VNNIC, cho biết hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang xem xét để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện mức phí và tất cả các loại phí áp cho tên miền.


Xem tiếp

Bản gốc: Thiết kế website - Giá trị tên miền chưa được đánh giá đúng ở VN (phần I)

Leave a Comment

Được tạo bởi Blogger.

VNNSEARCH.COM - Danh bạ website lớn nhất Việt Nam